Phân tích vai trò và các yếu tố ảnh hưởng cán cân thương mại

Các yếu tố ảnh hưởng cán cân thương mại? Vai trò của cán cân thương mại? Phân tích vai trò và các yếu tố ảnh hưởng cán cân thương mại?

Cán cân thương mại là một cán cân bộ phận quan trọng trong tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán quốc tế. Tầm quan trọng của cán cân thương mại đối với nền kinh tế rất to lớn. Cán cân thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong cán cân vãng lai , nếu cán cân thương mại thâm hụt thì khả năng rất lớn kéo theo cán cân vãng lai cũng sẽ thâm hụt và ảnh hưởng rất lớn đến cán cân thanh toán quốc tế.

Trước hết, cần hiểu rằng: Cán cân thương mại là một khái niệm trong kinh tế, dùng để phản ánh một khoản mục trong tài khoản vãng lai của cán cân thanh toán quốc tế. Cán cân thương mại biểu thị giá trị chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu của một nước hay một vùng lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định (tháng, quý, năm hay một số năm). Cán cân thương mại được đo bằng giá trị xuất khẩu trừ đi giá trị nhập khẩu.

1. Các yếu tố ảnh hưởng cán cân thương mại?

Cán cân thương mại là một chỉ tiêu đo lường của nền kinh tế, do vậy, cán cân thương mại chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố và cũng tác động ngược trở lại các yếu tố khác của nền kinh tế. Trên thế giới và trong nước, trong những năm gần đây, đã có rất nhiều nghiên cứu của các tác giả nhiều nước trên thế giới nghiên cứu về cán cân thương mại. Họ tập trung vào nghiên cứu việc các yếu tố vĩ mô có tác động như thế nào đến cán cân thương mại. Trong đó, các biến số vĩ mô chủ yếu được nghiên cứu là tỷ giá hối đoái thực đa phương, thu nhập quốc dân thực trong nước (GDP), thu nhập quốc dân thực của các đối tác thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn cung tiền và các chính sách của chính phủ.

- Ảnh hưởng của thu nhập quốc dân (GDP).

Thu nhập thực tế của một quốc gia (đã điều chỉnh lạm phát) tăng làmgia tăng mức tiêu thụ hàng hóa. Một sự gia tăng trong chi tiêu hầu như sẽ phản ánh một mức cầu gia tăng đối với hàng hóa nước ngoài. Vì vậy, khi GDP tăng làm nhập khẩu có xu hướng tăng. Sự gia tăng của nhập khẩu khi GDP tăng phụ thuộc vào xu hướng nhập khẩu cận biên (MPZ). MPZ phản ánh phần của GDP tăng thêm mà người dân muốn chi tiêu cho hàng hóa nhập khẩu.

- Ảnh hưởng của lạm phát.

Lạm phát của một nước cũng có ảnh hưởng đến cán cân thương mại thông qua việc làm tăng hay giảm giá trị đồng tiền của một quốc gia. Khi lạm phát một nước tăng cao so với nước đối tác, trước tiên, do giá hàng hóa trong nước tăng lên làm người tiêu dùng trong nước chuyển sang sử dụng hàng hóa nước ngoài. Điều này làm cho nhập khẩu tăng, kéo theo nhu cầu ngoại tệ tăng làm đồng ngoại tệ tăng giá.

Bên cạnh đó, giá cao cũng làm giảm sút nhu cầu hàng hóa nước ngoài đối với hàng trong nước (hay làm giảm xuất khẩu), từ đó cũng làm ngoại tệ tăng giá do nguồn cung ngoại tệ giảm. Hai điều này sẽ làm tăng giá đồng ngoại tệ, hay nói cách khác là đồng tiền của nước có lạm phát cao đã bị giảm giá để bù lại mức chênh lệch lạm phát, từ đó không làm tăng nhu cầu với hàng hóa nhập khẩu và làm cho lạm phát của một nước sẽ ít có tác động lên tình hình của nước khác.

- Các hiệp ước thương mại quốc tế.

Các hiệp ước thương mại quốc tế ký kết giữa hai quốc gia (Hiệp ước thương mại song phương) hoặc các hiệp ước thương mại giữa nhiều quốc gia với nhau (Hiệp ước thương mại đa phương) có ảnh hưởng trực tiếp lên cán cân thương mại. Tuy vậy, tác động của các hiệp ước thương mại làm thặng dư hay thâm hụt cán cân thương mại sẽ khác nhau giữa các quốc gia. Nó phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia, khả năng sản xuất của quốc gia đó với các nguồn lực trong nước bao gồm tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu đầu vào, trình độ khoa học kỹ thuật và nhân công của quốc gia đó. Điều này cũng có nghĩa là sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nguồn tài nguyên thiên nhiên, yếu tố con người và năng suất lao động... sẽ góp phần vô cùng quan trọng trong việc cải thiện cán cân thương mại của một quốc gia, hay thậm chí còn là yếu tố quyết định.

- Các chính sách của chính phủ.

Bên cạnh các yếu tố trên, cán cân thương mại còn bị ảnh hưởng bởi các chính sách của chính phủ như chính sách bảo hộ mậu dịch, chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI).

Chính sách thương mại là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thương mại. Chính sách thương mại hướng nội sẽ bảo vệ nền công nghiệp non trẻ trong nước thông qua việc dựng lên hàng rào bảo hộ mậu dich. Các chính sách bảo hộ mậu dịch thường ít có ảnh hưởng lên sự thâm hụt cán cân thương mại vì nó không tác động trực tiếp đến nguồn tiết kiệm và đầu tư trong nước. Tất nhiên những nhà làm chính sách có thể thiết lập hàng rào mậu dịch một cách nghiêm ngặt để giới hạn hàng hóa nhập khẩu vào nội địa để làm giảm bớt sự thâm hụt cán cân thương mại, như các biện pháp ấn định số lượng nhập khẩu, áp đặt mức thuế nhập khẩu cao…

Các chính sách liên quan đến đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên cán cân thương mại. Đã có nhiều nghiên cứu định lượng cho thấy nhập khẩu và đầu tư có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Điều này do có một số nước đang phát triển không có và không thể tự sản xuất các nguyên liệu đầu vào cũng như các loại máy móc, thiết bị cần thiết để đầu tư cho sản xuất.

Chính sách tỷ giá có ảnh hưởng quan trọng đến cán cân thương mại của một nước vì tỷ giá hối đoái ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và hàng hóa cùng loại trên thị trường quốc tế.

Khi đồng nội tệ giảm giá, giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ cao hơn hàng hóa xuất khẩu. Điều này sẽ gây bất lợi cho nhập khẩu vì hàng hóa nhập khẩu đắt hơn đối với người tiêu thụ ở thị trường trong nước và tạo điều kiện cho xuất khẩu vì hàng hóa xuất khẩu trở nên rẻ hơn đối với người tiêu thụ nước ngoài. Nó dẫn đến việc giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu, cán cân thương mại được cải thiện. Các ngành sản xuất hàng xuất khẩu phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành sản xuất trong nước, giảm thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Khi đồng nội tệ lên giá hàng hóa của nước ngoài sẽ rẻ hơn tương đối so với hàng hóa trong nước, người dân có xu hướng tiêu dùng nhập khẩu nhiều hơn, nhập khẩu sẽ tăng và hạn chế hoạt động xuất khẩu, dẫn đến việc thâm hụt cán cân thương mại, thu hẹp sản xuất trong nước, thất nghiệp gia tăng, giảm lạm phát nhưng tăng trưởng thấp.

2. Vai trò của cán cân thương mại:

Cán cân thương mại là một bộ phận quan trọng trong tổng sản phẩm trong nước, có mối quan hệ mật thiết với các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế của một nước. Ở những thời điểm khác nhau, cán cân thương mại có những thay đổi khác nhau dẫn đến sự thay đổi của toàn bộ nền kinh tế. Chính vì vậy, cán cân thương mại là một trong các chỉ số mà Chính phủ dựa vào đó để tiến hành điều chỉnh các chiến lược kinh tế, mô hình kinh tế, tư duy phát triển, con đường phát triển của đất nước trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Tình trạng cán cân thương mại cũng đóng vai trò quan trọng đối với vấn đề nợ quốc gia. Khi cán cân thương mại thặng dư thì quốc gia ở vị thế con nợ sẽ có nguồn ngoại tệ để trả nợ. Ngược lại khi cán cân thương mại thâm hụt thì quốc gia đó sẽ không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ mà phải đi vay để trả nợ. Khi đó nền kinh tế dễ rơi vào khủng hoảng nợ công. Đối với những quốc gia có vị thế là chủ nợ thì khi cán cân thương mại thặng dư, nền kinh tế sẽ có nguồn ngoại tệ dồi dào để ổn định nền kinh tế quốc gia và còn có thể cho các nước khác vay.

Cán cân thương mại là thành phần quan trọng nhất của cán cân thanh toán. Cán cân thanh toán bổ sung các khoản đầu tư quốc tế cộng với thu nhập ròng thực hiện từ các khoản đầu tư đó vào cán cân thương mại.

Nhiều nước thực hiện các chính sách thương mại khuyến khích thặng dư thương mại. Các quốc gia này thích bán nhiều sản phẩm hơn và nhận được nhiều vốn hơn cho người dân của họ, tin rằng điều này dẫn đến mức sống cao hơn và lợi thế cạnh tranh cho các công ty trong nước. Đối với một số người, điều này đúng, đặc biệt là trong ngắn hạn.

Thật không may, để duy trì thặng dư thương mại, một số quốc gia sử dụng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch . Họ bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước bằng cách đánh thuế quan, hạn ngạch hoặc trợ cấp đối với hàng nhập khẩu. Ngay sau đó, các quốc gia khác phản ứng bằng các biện pháp trả đũa, bảo hộ và chiến tranh thương mại xảy ra. Không thể tránh khỏi, điều này dẫn đến chi phí cao hơn cho người tiêu dùng, giảm thương mại quốc tế và giảm điều kiện kinh tế cho tất cả các quốc gia.
    5 / 5 ( 1 bình chọn )