Bài thu hoạch xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân

Nhận thức về tư tưởng, đạo đức trong xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân? Nhận thức về phong cách trong xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân?

Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là một trong những nội dung rất có ý nghĩa và cũng là nội dung cơ bản và cốt lõi của chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn quan tâm và chăm lo cho đời sống của nhân dân một cách rất chu đáo. Đặc biệt là rất coi trọng việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân.

Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568

1. Nhận thức về tư tưởng trong xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân:

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng nhân dân đã thể hiện rõ vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc cũng như công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước. Tư tưởng của Người là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin khi nhìn nhận vai trò quyết định trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh thì yêu nước phải đi liền với thương dân, người cách mạng trung với nước là phải hiếu với dân. Việc này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, cách mạng mà còn ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Ý thức tôn trọng Nhân dân là thể hiện thái độ của người cách mạng hiểu rõ vị trí, vai trò của Nhân dânNgười cho rằng trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, vẻ vang bằng việc chăm lo đời sống của Nhân dân.

Sức mạnh của Nhân dân cũng như khối đại đoàn kết dân tộc đã được thể hiện rất rõ trong sự nghiệp cách mạng của Người. Người cho rằng muốn nhận được sự tôn trọng của nhân dân thì trước hết người cán bộ phải hiểu nhân dân, chú trọng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Nhân dân.

Người cho rằng mỗi người cán bộ phải tạo được niềm tin trong nhân dân, phải hiểu biết những việc nên làm và không nên làm trong công việc cũng như trong cuộc sống đối với Nhân dân. Để tạo được niềm tin đó thì mỗi người cán bộ phải tự nâng cao nhận thức, có ý thức kỷ luật.

Đánh giá cao vai trò của Nhân dân, phát huy dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tư tưởng của Người đã giải thích dân chủ là dân làm chủ và dân là chủ – nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh giúp cho Nhân dân hiều được quyền làm chủ của mình, xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ, tiến bộ. Nhân dân không chỉ có quyền lợi làm chủ mà phải đi đôi với nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước.

Theo đó nên sự tôn trọng Nhân dân là phải giải thích cho Nhân dân hiểu rõ, khi Nhân dân chưa hiểu, chưa được giải thích rõ thì không thể thực hành dân chủ thực sự. Khi Nhân dân đã hiểu rõ thì giải quyết vấn đề gì cũng nhanh chóng và đơn giản. Bởi vậy, muốn phát huy dân chủ thì người cán bộ phải gần dân, lắng nghe dân, học hỏi dân để lãnh đạo dân. Chú trọng chăm lo đời sống nhân dân, xóa nạn mù chữ, đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

2. Nhận thức về đạo đức trong xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân:

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều hiểu về tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh đây là hệ tư tưởng thể hiện sự thống nhất cao về ý thức tôn trọng Nhân dân. Trong tư tưởng đạo đức của Người thì Nhân dân không phải tầng lớp thấp kém, đáng khinh rẻ mà là những người chủ thật sự của đất nước, thực hiện quyền dân chủ của mình theo quy định của pháp luật.

Người cho rằng mỗi cán bộ. chiến sĩ phải nâng cao tinh thần đạo đức, có ý thức tôn trọng Nhân dân vì sức dân là sức nước, việc gì dễ mà mười lần dân không chịu thì cũng thành khó, việc gì khó mà trăm lần mà dân liệu thì cũng xong.

Đạo đức tôn trọng Nhân dân phải được cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thực hiện thông qua việc nêu cao những tấm gương trong sạch, liêm chính. Đặc biệt phải xử lý những người tham ô, tham nhũng trong bộ máy cơ quan Nhà nước đúng theo quy định của pháp luật.

Tư tưởng đạo đức của Người đã thể hiện rõ người cán bộ, đảng viên phải có lối sống tiết kiệm bởi vì nếu không tiết kiệm mà sống xa xỉ thì sẽ sinh ra tham lam. Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, những người trong các công sở phải làm gương cho dân bắt trước, phải được dân tin cậy.

Trong đạo đức của người cán bộ phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chỉ có như vậy thì mới có thể làm kiểu mẫu cho Nhân dân, nhận được sự tôn trọng và tin cậy của Nhân dân.

Nâng cao dân trí, phát triển văn hóa chính trị, tính tích cực của công dân tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đất nước, phát huy quyền làm chủ của mình theo quy định của pháp luật. Nhận thức rõ mối quan hệ giữa người cán bộ Nhà nước và Nhân dân là yếu tố quan trọng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Người cán bộ phải gần gũi Nhân dân, thực sự cầu thị và không được chủ quan, phải đi đúng đường lối, kiên quyết dựa vào quần chúng, hướng dẫn quần chúng thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nếu người cán bộ rời xa Nhân dân, không hiểu được nguyên vọng của Nhân dân thì sẽ dẫn tới việc thiếu ý thức đạo đức tôn trọng Nhân dân. Do đó người cán bộ phải quan tâm, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân về mọi mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế, văn hóa để phát huy tiềm năng của mọi người dân trong khuôn khổ pháp luật.

Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ Nhân dân phê bình thì việc to mấy, khó mấy cũng không làm được. Người dân trông thấy lợi ích thiết thực chứ không thể lý luận suông do đó phải nhất quán về đạo đức và tư duy của người cán bộ.

Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ sau nhiều phẩm chất đạo đức quý báu, nêu cao chủ nghĩa tập thể, bài trừ chủ nghĩa cá nhân, phát huy phẩm chất chí công vô tư trong lối sống và làm việc. Người nêu rõ là làm người cán bộ phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, lòng luôn hướng về Đảng, về Tổ quốc và đồng bào.

Làm người cán bộ phải đấu tranh quên mình, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, yêu nước thương dân. Lấy lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động làm động cơ để thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Theo Người, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động do đó phải chăm lo đời sống cho Nhân dân, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống văn hóa người dân.

Việc chăm lo đời sống Nhân dân không chỉ trong thời kỳ cách mạng mà cả trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chú trọng chăm lo công ăn việc làm cho người dân, giải phòng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Cả cuộc đời Người đã phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân, ngay cả trong Di chúc Người cũng không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình. Người quan tâm đến đời sống Nhân dân, tiết kiệm từng đồng tiền, hạt gạo của Nhân dân, chủ trương tăng gia sản xuất và tiết kiệm hũ gạo như mọi người dân.

3. Nhận thức về phong cách trong xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân:

Trái tim Người có cùng nhịp đập với Nhân dân, Người sinh ra từ Nhân dân, đấu tranh vì lợi ích của Nhân dân, cuộc đời Người không dính líu tới vòng danh lợi. Người sống hết sức giản dị và mộc mạc. Đây là nhân cách lớn của Người, là cái tâm, cái đức vì dân, vì nước của Người.

Người luôn giữ tính cách bình dị dù là khi giữ cương vị cao nhất. Luôn chú ý lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân, tiếp thu phê bình của quần chúng đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng đã làm nên phong cách tôn trọng Nhân dân của Hồ Chí Minh.

Thể hiện thái độ yêu thương, trân trọng con người, Hồ Chí Minh luôn chú ý giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng Nhân dân, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác hay thừa nhận mình là vĩ đại.

Đặc biệt Người đề cao vai trò của phụ nữ trong công cuộc xây dựng đất nước. Người căn dặn Đảng, Chính phủ phải chú trọng bồi dưỡng, đảm bảo bảo một tỉ lệ phụ nữ thích đáng trong hàng ngũ cán bộ, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Điều này đã thể hiện tư tưởng lớn của người về quyền bình đẳng cho phụ nữ. Không chỉ vậy mà người còn rất kính trọng người già và yêu thương trẻ em thể hiện nhân cách văn hóa lớn của người.

Dù công việc bận rộn nhưng Người luôn dành thời gian để nghe dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân. Người đi về cơ sở, ra thao trường cùng bộ đội, đến hầm mỏ, công trường, bệnh viện, trường học….. đã thể hiện tác phong quần chúng và phong cách phát huy dân chủ của Người. Người thấu cảm được cuộc sống xung quanh, thấu hiểu được nguyện vọng của mọi tầng lớp Nhân dân.

Người thẳng thắn phê bình thói “quan trên về làng”. Mỗi khi cán bộ về với Nhân dân thì phải hòa nhập với cuộc sống của Nhân dân vậy thì dân mới dám nói, dám phê bình. Người rất đề cao ý thức dân chủ, phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng, tôn trọng tập thể, phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân.

Đối với Người, tình thương yêu dành cho nhân dân cũng chính là trách nhiệm của bản thân phải đủ lớn để Nhân dân tin cậy. Người chỉ ra rằng chính sách của Đảng và Chính phủ là phải chăm lo một cách chu đáo và tận tình cho đời sống Nhân dân. Cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục Nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao văn hóa, không để dân đói, dân rét, dân bệnh. Đồng thời, Người luôn gương mẫu đi đầu trong việc chống lãng phí, chống tham nhũng, nói đi đôi với làm.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )